4 năm về trước, vào tháng 6/2019 khi Ngọc vừa được tiếp cận Phương Pháp Quy Tâm – Điều Khiển Liệu Pháp (ĐKLP) của Lương Y Nguyễn Thị Thu Thủy, thì nửa năm sau đó, vào khoảng cuối 12/2019, Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố đại dịch toàn cầu Covid19 gây quan ngại cho toàn xã hội. Đồng thời, vấn đề Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu cho chính mình và gia đình được vận động mạnh mẽ.
Ngọc còn nhớ vào những đợt chạm đỉnh cao điểm dịch bùng nổ, TP. HCM và toàn nước Việt mình, nỗi bất an, lo lắng, sợ hãi lan tỏa khắp các nẻo đường, con hẻm. Cách ly tập trung, giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch an toàn, tránh lây lan cộng đồng được ưu tiên hàng đầu. Cả nước gồng mình, các tuyến đầu chống dịch không ngừng nghỉ, bệnh viện quá tải, hơn bao giờ hết, mỗi người đều tìm hiểu, học hỏi những kiến thức, phương pháp tự bảo vệ, phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe cho chính mình, gia đình và người thân.
1. Quan niệm đầy đủ về Sức Khỏe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)
Để hiểu rõ khái niệm Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là gì, trước hết Ngọc xin tổng hợp lại quan niệm đầy đủ về Sức Khỏe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
Hiến pháp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ký 22/7/1946, có hiệu lực từ ngày 07/4/1948 (và được khẳng định trong Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978) đưa ra định nghĩa về sức khỏe như sau: “Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật hoặc đau yếu”. Với định nghĩa này, chúng ta cần hiểu khỏe mạnh là trạng thái của một người có đầy đủ các yếu tố sức khỏe như sau:
Sức khỏe thể lực (physical health)
Sức khỏe thể lực là yếu tố cần thiết của sức khỏe, liên quan đến những chức năng, sinh lý, cơ học của cơ thể người.
Sức khỏe tâm thần (mental health)
Sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, như khả năng suy nghĩ, sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc, kiên định, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Sức khỏe cảm xúc (emothional health)
Khả năng cảm nghĩ, yêu thương, xúc động, lo lắng, sợ hãi, thích thú, vui buồn, tức giận…, và khả năng thể hiện các cảm nhận đó một cách thích hợp, đồng thời cũng là khả năng đương đầu với các stress, sự căng thẳng, nỗi thất vọng và sự bất toàn trong cuộc sống.
Sức khỏe xã hội (social health)
Khả năng tạo lập, giao tiếp, và duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong xã hội.
Sức khỏe tâm linh (spiritual health)
Ở một số người yếu tố này liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng (không phải mê tín) và một số người khác liên quan đến niềm tin của cá nhân, các nguyên tắc liên quan đến hành vi thực hành để đạt được sự thoải mái về tâm linh. (như thiền định, hít thở, yoga…)
Sức khỏe môi trường xã hội (societal health)
Môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về thể lực (Thân) và tâm hồn (Tâm), con người không thể được coi là khỏe mạnh.
2. Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là gì? Tuyên ngôn Alma – Ata về chăm sóc sức khỏe ban đầu
Alma-Ata (hiện nay đổi tên là Almaty) là thành phố lớn nhất của Kazakhstan, nơi đã diễn ra Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu với sự tham dự của 134 nước trong đó có Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức cách nay 45 năm (6-12/09/1978). Vào ngày 25-26/10/2018, Hội nghị toàn cầu lần thứ hai về Chăm Sóc Sức Khoẻ Ban Đầu sau 40 năm thực hiện bản Tuyên Ngôn Alma – Ata đã diễn ra tại Kazakhstan. Trong 10 nội dung của bản Tuyên Ngôn Alma – Ata, điều 6 khẳng định:
“Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là Chăm sóc sức khỏe thiết yếu dựa trên các phương pháp và kỹ thuật thực hành, khoa học, được xã hội chấp nhận và được phổ biến đến mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng thông qua sự tham gia tích cực của họ với một chi phí mà cộng đồng và quốc gia có thể chấp nhận được ở mọi giai đoạn phát triển, trên tinh thần tự lực và tự quyết“
(Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Ngành Y Tế Thành Phố Hồ Chính Minh)
Việt Nam chấp nhận 8 nội dung (bổ sung thêm 2 nội dung khác), trong đó Giáo dục sức khỏe: đạt được 2 mục tiêu quan trọng:
- Phổ cập kiến thức y học thường thức về Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu cho toàn dân
- Nhận thức Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là trách nhiệm của mọi người dân.
3. Lợi ích của việc Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu
Một cách rất rõ ràng, đại dịch Covid19 bùng phát, khi các cơ sở bệnh viện ngập tràn người khám, chữa bệnh, cấp cứu…, việc học biết và nắm vững một số Phương Pháp Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là rất quan trọng, không riêng gì Ngọc mà tất cả chúng ta đều cần, để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mang lại những lợi ích rất thiết thực cho bản thân, gia đình, xã hội:
- Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu giúp tiết kiệm chi phí y tế
- Giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện
- Giảm tỷ lệ bệnh nặng
- Giảm áp lực căng thẳng cho người thân, gia đình
- Giúp tăng tuổi thọ con người
Cá nhân tốt – Gia đình tốt – Xã hội tốt
4. Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu: Tư duy mới chăm sóc sức khỏe Tâm Thân người Việt
Trong suốt 4 năm sau đại dịch Covid19 tới nay, Ngọc quan sát và nhận ra Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu – Tư duy mới chăm sóc sức khỏe Tâm Thân người Việt và trên toàn thế giới đã và đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhanh chóng hơn và thực tiễn hơn. Đặc biệt là mỗi người, vượt qua những biến cố và chuyển mình, đều có Ý Thức Tự Làm Chủ – Quay về chính mình, quan tâm, tìm hiểu, học hỏi và phổ cập kiến thức sức khỏe tâm thân nhất định.
Về Ngọc, kể từ biến cố bệnh năm 2018, qua suốt một quá trình tự chữa lành Tâm Thân, bản thân mình cũng thay đổi tư duy một cách sâu sắc về vấn đề chăm sóc sức khỏe Tâm Thân. Với tiêu chí “Lấy đơn giản trị phức tạp” để đạt được “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Nhân dân đi trước, làng nước theo sau”, không có cách nào khác hơn, đó chính là tự tìm tòi học hiểu về cơ chế vận hành, tâm sinh lý, hệ thống cơ thể người, lắng nghe cơ thể của chính chúng ta, nhằm lựa chọn giải pháp, phương pháp thích hợp hoàn cảnh và tiết kiệm chi phí.
Xem thêm: Quy Tâm – Điều Khiển Liệu Pháp: Phương pháp Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu của Người Việt mà Ngọc đã ứng dụng trong quá trình tự chữa lành Tâm Thân chính mình.
Qua bài viết này, các bạn đã có khái niệm về Tự Chăm Sóc Sức Khỏe Ban Đầu là gì, Ngọc mong rằng từ đây Ý Thức Tự Làm Chủ chính mình sẽ được lan rộng hơn, nhằm tự phòng ngừa, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Tâm Thân của chính các bạn nhé.